Chiều ngày 07/3/2025, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Kon Tum, Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao tiến hành khảo sát việc áp dụng pháp luật trong xét xử tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, quý, hiếm trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Tham dự buổi khảo sát có đồng chí Nguyễn Văn Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học Tòa án nhân dân tối cao làm Trưởng đoàn và các thành viên trong đoàn. Về phía tỉnh Kon Tum có đồng chí Hà Viết Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh; một số đồng chí Trưởng, Phó các Tòa chuyên trách, Văn phòng thuộc TAND tỉnh, các đồng chí Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký của Tòa án nhân dân các huyện, thành phố; đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Kon Tum và đại diện Công an tỉnh Kon Tum.

(Các đại biểu tham dự buổi khảo sát chụp hình lưu niệm)
Phát biểu tại buổi khảo sát đồng chí Hà Viết Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chánh án TAND tỉnh cho biết Từ ngày 01/11/2018 đến 30/6/2024 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum thụ lý sơ thẩm: 13 vụ án/14 bị cáo theo Điều 244 BLHS; thụ lý phúc thẩm: 02 vụ/02 bị cáo theo Điều 244. Trong đó, liên quan đến tê tê Tòa án nhân dân hai cấp thụ lý, giải quyết 06 vụ/ 07 bị cáo. Trong quá trình giải quyết Tòa án hai cấp tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết, xét xử nhanh chóng, kịp thời, nghiêm mình đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn nói chung và các loại tội phạm liên quan đến động vật hoang dã, quý, hiếm nói riêng. Đồng chí đã gợi mở một số khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn để Hội nghị tập trung thảo luận.
Tại buổi khảo sát đã có nhiều ý kiến đưa ra thảo luận rất sôi nổi, nhất là về các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn như:
+ Theo điều 244 BLHS xét xử về tội “Vi phạm quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm" đối với trường hợp vảy tê tê java, theo hướng dẫn Loài Tê tê java có tên trong Phụ lục I, Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, ban hành kèm theo Nghị định 64/2019/NĐ-CP ngày 16/7/2019 của Chính phủ. Loài Tê tê java có tên trong nhóm IB, Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định 84/2021/NĐ-CP ngày 22/9/2021 của Chính phủ. Khó khăn: thông thường vảy tê tê theo lạng, ký và tạ, tấn thì khi giám định chỉ giám định 01 vài vảy chứ không thể giám định tất cả vảy để căn cứ khởi tố khoản điều 244 BLHS, trong khi đó số lượng vảy tê tê thu khối lượng lớn có thể trộn một số loài không phải nguy cấp quý hiếm điều đó làm ảnh hưởng đến xác định tội danh, khung hình phạt. Ngoài ra, tại điểm b khoản 1 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “b) Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này”.
Việc điều luật không có định lượng cụ thể đối với mức thấp nhất và cao nhất nên tất cả các hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép từ vài lạng vảy tê tê cho đến vài chục ki lô gam hoặc vài tấn thì đều bị xử lý trong một khung hình phạt nêu trên và chỉ cần bị thu giữ vài vảy tê tê cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định này. Điều này không đảm bảo sự phân hóa hình phạt đối với tính chất nguy hiểm của các hành vi cũng như đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp.
- Về định giá: Theo quy định tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự, quy định tại Điều 15 của Nghị định thì: Việc định giá tài sản là hàng cấm phải dựa trên ít nhất một trong những căn cứ sau: Giá thị trường của tài sản; Giá do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định; Giá do doanh nghiệp thẩm định giá cung cấp; Giá trong tài liệu, hồ sơ kèm theo tài sản cần định giá (nếu có); Các căn cứ khác về giá hoặc giá trị của tài sản cần định giá.
Tuy nhiên, hàng cấm thì thì đa số không được lưu thông trên thị trường, do vậy không thể có căn cứ để quy định mức giá! Đặc biệt là đối với động vật hoang dã, động vật nguy câp, quý, hiếm thì càng không thể có căn cứ chính xác nào để quy định về giá. Các loại động vật hoang dã phần lớn pháp luật nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại, tại Kon Tum, chưa ghi nhận tổ chức, cá nhân nào trên địa bàn được khảo sát có hoạt động gây nuôi hợp pháp, khó khăn trong công tác thu thập được giá nên không có cơ sở để định giá, gây khó khăn trong công tác giải quyết, xét xử đối với các vụ án liên quan đến động vật hoang dã
- Về tình tiết định khung, định tội tại Điều 244 Bộ luật hình sự:
+ Điểm h khoản 2 Điều 244 Bộ luật hình sự 2015 quy định: “h) Săn bắt trong khu vực bị cấm hoặc vào thời gian bị cấm”.
Theo Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn “Săn bắt vào thời gian bị cấm là săn bắt động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý hiếm vào mùa sinh sản hoặc mùa di cư của chúng. Việc xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài theo quy định của cơ quan có thẩm quyền”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mùa sinh sản, mùa di cư của từng loài. Do đó, trên thực tế rất khó khăn trong việc định khung hình phạt theo tình tiết này.
+ Trong cùng một vụ án, đối tượng săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp đối với nhiều loài khác nhau nhưng chưa đủ số lượng từng lớp theo quy định tại Điều 244 Bộ luật hình sự. Bộ luật hình sự năm 2015 không có quy định về quy đổi (như trường hợp các tội phạm về ma túy) để làm căn cứ định tội và định khung hình phạt. Do đó, tại Điều 6 Nghị quyết số 05/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn trong trường hợp này không xử lý về hình sự. Tuy nhiên, trên thực tế rất nhiều trường hợp các đối tượng săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép đối với nhiều loài khác nhau; mặc dù số lượng đối với từng loài chưa đảm bảo, nhưng tổng số các động vật thu được lại rất lớn và tính nguy hiểm cao hơn nhiều so với trường hợp đủ định lượng đối với một loài. Do đó, đây là kẻ hở để người các đối tượng tìm cách vi phạm và ảnh hưởng đến tính công bằng trong việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với loại tội phạm này…
Qua buổi sát các đại biểu đều cho rằng để làm tốt công tác bảo vệ các loài động vật hoang dã, quý, hiếm cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và các văn bản hướng dẫn thi hành.
TIẾN NGUYỄN