Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum tích cực triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc Hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến;
Trong thời gian qua, mặc dù gặp phải những khó khăn nhất định do tình hình dịch covid-19 trong những tháng đầu năm 2022. Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum đã làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị tập trung giải quyết các công việc, các nhiệm vụ trọng tâm công tác theo yêu cầu của Tòa án nhân dân tối cao giao, trong đó có việc thực hiện nhanh và triển khai có hiệu quả Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc Hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến và các văn bản hướng dẫn ban hành của TAND tối cao.

Hình ảnh phiên tòa trực tuyến tại TAND tỉnh Kon Tum
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến theo Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc Hội, là nhiệm vụ, giải pháp, đồng thời là nhu cầu, xu hướng tất yếu của tòa án đặc biệt là tại thời điểm dịch bệnh Covid 19 bùng phát, việc tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến giúp hạn chế tập trung đông người tại một phòng xử án, giảm thiểu rủi ro lây lan dịch bệnh.
Xét xử trực tuyến cho thấy nhiều ưu điểm khi mô hình này mang lại hiệu quả nhất định, đặc biệt là tiết kiệm được chi phí, tiền bạc, vật chất, thời gian, công sức cho đương sự. Việc ghi âm, ghi hình và phát sóng các chứng cứ, quá trình tố tụng tại một phiên tòa xét xử trực tuyến cũng tạo điều kiện lưu trữ thông tin vụ án, phục vụ công tác nghiên cứu, rút kinh nghiệm; Ngoài ra, xét xử trực tuyến cũng giúp các Tòa án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng và còn có phần giúp cho công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật đạt kết quả tốt hơn ...

Hình ảnh Phiên tòa trực tuyến của TAND cấp cao tạo Đà Nẵng, có điểm cầu thành phần tại TAND tỉnh Kon Tum
Đối với TAND hai cấp tỉnh Kon Tum, mặc dù điều kiện cơ sở vật chất tại các đơn vị có phần hạn chế, chưa trang bị được phòng xét xử trực tuyến chuyên dụng, các thiết bị kỹ thuật để kết nối trực tuyến chưa được trang bị mới. Tuy nhiên, với sự năng động, sáng tạo, sự đoàn kết nhất trí của tập thể lãnh đạo của Thẩm phán,Thư ký thuộc đơn vị, đã chủ động triển khai, có phương án, Kế hoạch cụ thể, tận dụng các thiết bị hiện có để thực hiện các phiên tòa xét xử trực tuyến, đảm bảo theo quy định, đáp ứng, triển khai kịp thời với yêu cầu cấp thiết đã đề ra nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao nhất.
Ngày sau khi Nghị quyết 33/2021/QH15 của Quốc Hội có hiệu lực từ ngày 01/01/2022. TAND tỉnh Kon Tum đã chủ động, lên các phương án tổ chức xét xử được phiên tòa trực tuyến đầu tiên tại tỉnh Kon Tum vào ngày 07/03/2022 bao gồm 02 điểm cầu (điểm cầu trung tâm là TAND tỉnh và điểm cầu thành phần là TAND huyện Đắk Hà). Tính đến ngày 30/9/2022 Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum đã tổ chức được 20 phiên tòa trực tuyến với các điểm cầu từ Tòa án nhân dân đến điểm cầu thành phần là nhà tạm giữ công an địa phương. Đặc biệt đã tổ chức thành công 03 phiên xét xử trực tuyến vụ án Hành chính giữa điểm cầu trung tâm phòng xét xử Tòa án nhân dân và điểm cầu thành phần tại trụ sở cơ quan hành chính trong tỉnh.
Có được những thành quả trên, là nhờ sự quan tâm sâu sắc của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, các cấp ủy địa phương và các ngành liên quan, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể lãnh đạo Tòa án tỉnh Kon Tum sự đồng sức, đồng lòng, của toàn thể công chức, người lao động trong toàn đơn vị để thực hiện tốt nhiệm vụ.
Bên cạnh đó Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum không ngừng cải tiến, đưa ra nhiều giải pháp để áp dụng nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc như mô hình làm việc tập thể, đến nay vẫn đang phát huy hiệu quả, chất lượng các vụ án được nâng cao, đảm bảo thời gian tiến độ giải quyết các loại án, tăng cường sự thống nhất, đoàn kết trong nội bộ.

Hình ảnh phiên tòa trực tuyến của TAND cấp huyện
Hiểu rõ vai trò và ý nghĩa của việc thực hiện Nghị quyết, đáp ứng, triển khai kịp thời với yêu cầu cấp thiết đã đề ra nhằm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, đạt hiệu quả cao nhất; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác xét xử giải quyết án, cần có giải pháp nâng cao chất lượng hiệu quả trong công tác xét xử trực tuyến như sau:
- Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, sự cần thiết, tính hiệu quả, hình thức của việc xét xử bằng trực tuyến để người dân cũng như các đương sự biết và chủ động tham gia.
- Đối với các Thẩm phán, Thư ký, cần nghiên cứu kỹ các quy định của pháp luật về phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến, kỹ năng điều hành, xử lý các tình huống có thể phát sinh trong quá trình xét xử, không ngừng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ và khả năng sử dụng các phương tiện, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cho phiên tòa xét xử bằng hình thức trực tuyến.
- Làm tốt công tác phối hợp đối với các cơ quan tiến hành tố tụng trong việc tổ chức phiên tòa trực tuyến cũng như công tác dẫn giải bị cáo, bảo vệ phiên tòa, phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật.
- Xét xử trực tuyến trong hệ thống Tòa án, bước đầu đã có những hiệu quả, tuy nhiên việc mới bắt đầu áp dụng nên cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, do vậy cần tổng hợp rút kinh nghiệm, để nâng cao hơn nữa chất lượng trong việc tổ chức các phiên tòa xét xử trực tuyến./.
Tin bài: TN – TAND tỉnh