Ngay sau khi Cách mạng tháng tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập; ngày 13/9/1945, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký ban hành Sắc lệnh số 33C thiết lập các Tòa án quân sự trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam mới. Từ đó, hệ thống Tòa án các cấp được thành lập, hoàn thiện và phát triển.
Tại Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Luật tổ chức Tòa án năm 2014 đã xác định chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Tòa án “Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xét xử các vụ án hình sự, dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính và giải quyết các việc khác theo quy định của pháp luật; xem xét đầy đủ, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong quá trình tố tụng; căn cứ vào kết quả tranh tụng ra bản án, quyết định việc có tội hoặc không có tội, áp dụng hoặc không áp dụng hình phạt, biện pháp tư pháp, quyết định về quyền và nghĩa vụ về tài sản, quyền nhân thân.”. Về tổ chức, theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án 2014 thì Hệ thống Tòa án có: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự. Như vậy, Tòa án là một thiết chế quan trọng trong bộ máy Nhà nước Việt Nam, được tổ chức theo các cấp; với quy định của Hiến pháp 2013 và Luật Tổ chức Tòa án năm 2014 thì vị thế của Tòa án đã được khẳng định cụ thể hơn, quyền tư pháp đồng nghĩa với quyền xét xử của Tòa án, điều này có ý nghĩa là Tòa án là cơ quan duy nhất có quyền ra phán quyết về các vi phạm pháp luật, các tranh chấp pháp lý xảy ra trong xã hội.
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và nguyên Chánh án TAND tỉnh
tặng hoa chúc mừng bổ nhiệm PCA TAND tỉnh
Gắn liền với sự phát triển, lớn mạnh của đất nước, của hệ thống Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum được thành lập tháng 8/1991 theo Nghị quyết của Quốc hội khóa VIII tại Kỳ họp thứ 9, sau một thời gian sáp nhập chung cùng Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thành tỉnh Gia Lai-Kon Tum rồi được chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Cùng với việc tái lập tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 10/1991, với tổng số biên chế của Tòa án nhân dân tỉnh lúc bấy giờ chỉ có 10 người (04 Thẩm phán, 02 Thư ký, 01 chuyên viên, 01 Kế toán và 01 nhân viên); trong đó: 09 người từ Gia Lai đến và 01 người (Thẩm phán) từ Tòa án huyện Sa Thầy về. Trải qua 29 năm hoạt động, Tòa án nhân dân tỉnh Kon Tum không ngừng được kiện toàn về tổ chức và đội ngũ công chức ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. Từ một đơn vị khi mới thành lập chỉ có 10 biên chế, trong đó có 05 Thẩm phán làm công tác xét xử, đội ngũ cán bộ của Tòa án vừa thiếu, vừa yếu; cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện làm việc còn nhiều thiếu thốn, đời sống của công chức còn gặp rất nhiều khó khăn; Tòa án nhân dân cấp huyện lúc này chỉ có 05 đơn vị và chịu sự quản lý của Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum. Đến tháng 8/2002, khi thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002, Tòa án nhân dân tỉnh nhận bàn giao 08 TAND huyện và thị xã Kon Tum từ Sở Tư pháp sang, với tổng biên chế được giao cho Tòa án nhân dân hai cấp là 83 người, trong đó có 37 Thẩm phán. Năm 2005, thành lập Tòa án nhân dân cấp huyện Tu Mơ Rông; tháng 7/2015, thành lập thêm Tòa án nhân dân huyện Ia H’Drai nâng tổng số Tòa án nhân dân cấp huyện lên 10 đơn vị, với tổng số biên chế Tòa án nhân dân hai cấp hiện có 121/138 người (trong đó có 48 Thẩm phán trung và sơ cấp) và có 33 nhân viên hợp đồng lao động theo NĐ 68 (lái xe, bảo vệ, tạp vụ). Đội ngũ Lãnh đạo các Tòa chuyên môn, Phòng chức năng của Tòa án nhân dân tỉnh và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện được kiện toàn cơ bản, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ chính trị tại địa phương và khắc phục sự thiếu hụt Thẩm phán cũng như các chức danh quản lý ở Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum.
Bí thư Đảng bộ khối cơ quan và DN tỉnh trao Quyết định thành lập Đảng bộ cơ sở TAND tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị mà ngành và địa phương giao, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum luôn quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của các cấp ủy Đảng và sự chỉ đạo về nghiệp vụ của Tòa án nhân dân tối cao, đội ngũ cán bộ đã nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, vững vàng về lập trường chính trị tư tưởng và chuyên môn nghiệp vụ. Phát huy truyền thống của các thế hệ Tòa án qua các thời kỳ, hệ thống Tòa án hai cấp đã khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu công tác, góp phần vào việc xây dựng, phát triển tỉnh Kon Tum nói chung và sự lớn mạnh, phát triển không ngừng của Hệ thống Tòa án trong 75 năm qua nói riêng.
Trong những năm qua, hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum đã thụ lý, giải quyết xét xử án đạt chỉ tiêu thi đua đề ra; tỷ lệ án bị hủy, sửa do lỗi chủ quan dưới mức quy định của Tòa án nhân dân tối cao. Số lượng án của Tòa án nhân dân hai hai cấp giải quyết ngày càng tăng, tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhất là các tội phạm về ma túy, về quản lý và bảo vệ rừng… hết sức phức tạp và tinh vi hơn. Các tranh chấp dân sự, đặc biệt là tranh chấp về quyền sử dụng đất, về vay nợ do giấy tờ không đầy đủ, thủ tục khi giao dịch không chặt chẽ. Án hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ngày càng phức tạp hơn. Các vụ án hành chính liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc đến cơ quan chính quyền các cấp. Để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử, Tòa án hai cấp đã tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua bám sát chủ đề trong hệ thống Tòa án nhân dân là “Trách nhiệm, kỷ cương, chất lượng, vì công lý”; thực hiện chủ đề thi đua xuyên suốt “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư” với phương châm “Gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” gắn với thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và thực hiện nghiêm Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI, Khóa XII) của Đảng. Nhằm nâng cao chất lượng giải quyết các loại án, BCS Đảng, lãnh đạo Tòa án nhân dân tỉnh đã đề ra các biện pháp như: Tăng cường, phối hợp tốt với các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan trong quá trình giải quyết vụ án. Đặc biệt, đã xây dựng Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tỉnh với Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc giải quyết các vụ án hành chính, dân sự, Hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hình sự. Nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ giải quyết, xét xử các loại án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật về thời hạn xét xử; không xét xử oan, bỏ lọt tội phạm; bảo đảm xét xử nghiêm minh; ra bản án, quyết định đúng pháp luật. Đổi mới cách thức tổ chức phiên tòa để đảm bảo thực hiện nguyên tắc tranh tụng; trao đổi nghiệp vụ hàng tuần, nhất là những vụ án phức tạp, còn có nhiều quan điểm khác nhau về giải quyết vụ án; chú trọng và nâng cao chất lượng hòa giải, tăng cường tỷ lệ hòa giải thành trong các vụ án dân sự công tác đối thoại trong các vụ án hành chính, ....
Với những thành tích đã đạt được trong thời gian vừa qua, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum đã vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhì cho 01 cá nhân; Huân chương lao động Hạng Ba cho 01 tập thể và 02 cá nhân; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 02 cá nhân; có 17 lượt tập thể được công nhận “tập thể Lao động xuất sắc”, đặc biệt trong đó có đơn vị TAND thành phố Kon Tum đã 02 lần được tặng cờ thi đua Tòa án nhân dân, TAND huyện Đắk Hà được 01 lần tặng cờ thi đua Tòa án nhân dân. Có 02 cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; có 08 lượt cá nhân được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua Tòa án nhân dân” và có nhiều lượt công chức được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, được Bằng khen của Chánh án TAND tối cao và của Chủ tịch UBND tỉnh, v.v…
Chánh án TAND cấp cao tại Đà Nẵng trao tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua TAND” cho công chức TAND hai cấp tỉnh Kon Tum
Qua quá trình phát triển theo từng giai đoạn lịch sử của tỉnh nhà và đất nước, đến nay Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum đã ổn định về mặt cơ cấu tổ chức và hoạt động theo Luật tổ chức TAND năm 2014. Bằng hoạt động của mình, Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Kon Tum đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Nhìn lại chặng đường đã đi qua, với sự rèn luyện, nỗ lực không ngừng của đội ngũ công chức và người lao động, tin tưởng rằng, hệ thống Tòa án hai cấp tỉnh Kon Tum tiếp tục giữ vững truyền thống, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020, tạo tiền đề và động lực để các thế hệ cán bộ, Thẩm phán tiếp tục vững bước trên chặng đường tiếp theo./.
Đại hội Đảng bộ TAND tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025
Hà Vũ